NHẬN BIẾT VÀ CÁC BIỆN PHÁP GIẢM STRESS NƠI CÔNG SỞ

NHẬN BIẾT VÀ CÁC BIỆN PHÁP GIẢM STRESS NƠI CÔNG SỞ

Hầu hết chúng ta bị stress. Theo một nghiên cứu của Quỹ Sức khỏe Tâm thần 2018, 74% dân số cảm thấy stress đến mức họ thực sự bị choáng ngợp và phải vật lộn để đối phó.

I. Các dấu hiệu nhận biết bạn đang stress

1. Suy giảm trí nhớ – Dấu hiệu điển hình

Khi căng thẳng quá mức, tuyến thượng thận tăng sản sinh hormone cortisol – hormone này có tác dụng tăng nhịp tim, điều hòa huyết áp và tham gia vào các hoạt động sống của cơ thể. Tuy nhiên khi được sản xuất quá nhiều, cortisol có thể gây ra tình trạng tình trạng tim đập nhanh, bồn chồn, hồi hộp, tăng đường huyết, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu và tác động tiêu cực đến hoạt động của não bộ. Vì vậy khi bị stress, bạn sẽ nhận thấy trí nhớ giảm đi đáng kể.

2. Đau đầu và nhức mỏi toàn thân

Stress thực chất là phản ứng của cơ thể với những sự thay đổi, áp lực từ bên ngoài và bên trong. Trong trường hợp căng thẳng quá mức, cơ thể sẽ tạo ra phản ứng sinh tồn bằng cách tăng nhịp tim, nhịp thở và tăng huyết áp. Đồng thời giảm lượng máu tuần hoàn đến những cơ quan “không-ảnh-hưởng-đến-sự-sinh-tồn”.

Chính vì vậy khi căng thẳng, toàn bộ cơ thể dễ bị đau nhức, ê ẩm, mỏi và giảm sức lực. Ngoài ra, stress còn làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn đến não bộ dẫn đến đau đầu, đau nửa đầu, choáng đầu, chóng mặt,…

3. Xuất hiện các vấn đề về tiêu hóa

Khi căng thẳng quá mức, dây thần kinh phế vị bị kích thích dẫn đến tăng tiết dịch vị và co bóp bất thường. Vì vậy khi bị stress, bạn có thể gặp phải một số vấn đề về tiêu hóa như đau dạ dày, nóng rát thượng vị, buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi, trào ngược, khó tiêu, chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.

4. Rụng tóc

Theo giải thích của các chuyên gia, căng thẳng thần kinh quá mức làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn đến các nang tóc. Hậu quả là khiến tóc bị thoái hóa, suy yếu và tăng số lượng tóc gãy rụng.

Ngoài ra khi đối mặt với căng thẳng thần kinh trong một thời gian dài, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách sản sinh chất P để bảo vệ các cơ quan quan trọng. Tuy nhiên, thành phần này lại chính là tác nhân gây tổn thương mầm tóc dẫn đến giảm tốc độ tái tạo, mọc tóc và tăng số lượng tóc rụng.

5. Rối loạn kinh nguyệt

Căng thẳng quá mức có thể khiến vùng dưới đồi bị rối loạn dẫn đến sự bất ổn trong hoạt động sản xuất hormone ở các cơ quan còn lại. Hậu quả là gây rối loạn kinh nguyệt với những biểu hiện như mất kinh, vòng kinh thưa, đau bụng kinh dữ dội,…

6. Stress còn gây buồn ngủ, uể oải

Khi căng thẳng quá mức, cơ thể sẽ tăng sản xuất hormone adrenaline. Cụ thể, hormone này giúp tăng huyết áp và tăng nhịp tim để bảo vệ sự sống cho cơ thể. Tuy nhiên, lượng hormone adrenaline tăng cao còn tạo ra cảm giác buồn ngủ, bồn chồn và mệt mỏi.

7. Các dấu hiệu khác

Ngoài những biểu hiện kể trên, stress nặng còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như:

ØStress còn có thể gây nổi mụn trứng cá, mề đay, phát ban,…

ØSức đề kháng suy giảm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm

ØCơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng, giảm hứng thú và sự quan tâm

ØCo giật mí mắt (do dây thần kinh ở mắt bị căng thẳng khi phải làm việc trong thời gian dài)

ØTiết nhiều mồ hôi

ØGiảm hứng thú khi quan hệ tình dục

II. Các biện pháp giảm stress nơi công sở

Căng thẳng thần kinh kéo dài còn làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn nhân cách,… Vì vậy ngay khi nhận thấy các dấu hiệu đang bị stress nặng, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp cải thiện, điều trị như đến gặp chuyên gia tâm lý để khám chữa.

1. Xác định nguyên nhân gây stress

Bạn không thể thư giãn đầu óc nếu chưa giải quyết được những thứ xung quanh đang gây stress cho bạn. Phớt lờ các dấu hiệu với hy vọng chúng sẽ biến mất có lẽ không phải là một kỹ thuật hiệu quả bởi vì nó làm tăng cảm giác bị choáng ngợp. Tuy nhiên, bằng cách chia nhỏ tất cả các yếu tố gây stress trong cuộc sống, bạn có thể vượt qua từng yếu tố, từ đó lấy lại quyền kiểm soát.

2. Thở chậm

Khi quá căng thẳng hãy dừng lại những việc đang làm khoảng 5 phút và ngồi thẳng lưng, hít một hơi thật sâu qua mũi, đảm bảo không khí đi xuống vùng dạ dày. Thở ra thật chậm qua miệng. Điều quan trọng là phải giữ nhịp điệu nhẹ nhàng, đếm đến 5 và lùi xuống khi thở có thể giúp ích. Bằng cách thở chậm và nhẹ nhàng, cơ thể sẽ gửi tín hiệu đến não để thư giãn. Đây là một loại kỹ thuật thở trấn tĩnh đặc biệt có thể giúp thư giãn trí óc đang lo lắng và chỉ mất vài phút.

3. Mát-xa

Sau những giờ làm việc mệt mỏi và để thư giãn trí óc, bạn phải thư giãn cơ thể. Mát-xa tốt không chỉ giải phóng căng thẳng ở cơ bắp và giảm đau nhức, mà còn làm giảm mức độ stress và thúc đẩy trạng thái thư giãn lưu lại rất lâu sau khi kết thúc buổi mát-xa.

4. Đọc sách

Chúng ta sống trong một thế giới bão hòa công nghệ, với điện thoại di động liên tục đòi hỏi sự chú ý của chúng ta, các bài đăng trên mạng xã hội khiến chúng ta sôi máu và màn hình nói chung dẫn đến sự quá tải của các giác quan. Đôi khi, không có gì tốt cho tâm trí hơn là ngồi xuống và ngắt kết nối với thế giới bên ngoài bằng cách mở một cuốn sách hay, hấp dẫn. Sẽ không có bất kỳ thông báo gây phiền nhiễu, không có rung hoặc tiếng chuông. Sẽ chỉ có bạn và câu chuyện.

5. Chợp mắt

Theo một nghiên cứu năm 2018, 20% người Mỹ bị rối loạn giấc ngủ và trung bình mọi người ngủ chưa đến 7 tiếng mỗi đêm. Để so sánh, một người Mỹ bình thường ngủ 9 tiêng mỗi đêm vào năm 1910. Mặc dù chợp mắt không phải là liều thuốc cho giấc ngủ đêm tồi tệ, song một giấc ngủ ngắn 20-30 phút có thể làm nên điều kỳ diệu cho tâm trạng và sự tỉnh táo và là một cách thư giãn tuyệt vời trong một thế giới mà điều này khá khó thực hiện.

6. Nghe một bản nhạc nhẹ, thư thái xua tan căng thẳng

Những bản nhạc không lời nhẹ nhàng sẽ là một trong những cách thư giãn đầu óc hiệu quả nếu bạn đang trong giai đoạn căng thẳng mệt mỏi. Nghe nhạc không lời có tác động tích cực trong việc kích thích và làm thư giãn các dây thần kinh trung ương, giúp bạn quên đi mệt mỏi một cách nhanh chóng.

7. Nhâm nhi một ly trà xanh

Khi làm việc trong môi trường văn phòng, chắc hẳn bạn sẽ không thể tránh khỏi việc lạm dụng quá nhiều cà phê, nhất là khi công việc lại tất bật. Thay vào đó, bạn nên dùng một ly trà xanh, vì so với cà phê trà vẫn tốt hơn, trà có tác dụng kích thích não bộ, các dây thần kinh.

8. Tập thể dục

Tất cả chúng ta đều có rất nhiều thứ trong tâm trí, vì vậy đôi khi sẽ rất tốt khi thực hiện một hoạt động hướng tất cả sự chú ý của chúng ta khỏi các tình huống stress để đến một mục tiêu dễ dàng, có thể đạt được như đứng dậy khỏi bàn làm việc, rời xa màn hình điện thoại, máy tính để có thể tập các bài đơn giản như đi bộ, giãn cơ,... Hơn nữa, tập thể dục được chứng minh là làm tăng giải phóng các endorphin, còn được gọi là hoóc-môn “vui vẻ”.

9. Học cách nói không

Đừng bao giờ bị ràng buộc bởi công việc làm thêm hay những dự án không cần thiết. Hãy nói không với những việc ngoài khả năng của bạn hay những công việc không liên quan đến bạn. Nó không có nghĩa bạn là người không nhiệt tình, tận tụy trong công việc. Bạn cần có sự lựa chọn của mình. Đó là cách giúp bạn làm chế ngự stress.

10. Ăn nhẹ

Một bữa ăn nhẹ sẽ giúp tâm trạng thoải mái hơn. Hãy thử những đồ ăn có chứa chất đạm, nhưng đừng ăn quá nhiều nếu bạn không muốn “căng da bụng chùng da mắt”.

Bài viết đã tổng hợp một số dấu hiệu cho thấy bạn đang bị stress và hướng dẫn một số biện pháp điều trị an toàn, hiệu quả. Hãy lưu lại các cách thư giãn đầu óc trên và xả stress một cách hiệu quả, “sốc” lại tinh thần cho những ngày dài làm việc căng thẳng, mệt mỏi bạn nhé!

Nguồn:

https://syt.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/6CWBO9WiZqsQ/content/7-dau-hieu-ban-ang-bi-stress-nang-va-huong-ieu-tri-an-toan

https://dantri.com.vn/suc-khoe/9-cach-tuyet-voi-de-thu-gian-tri-oc-va-giai-toa-stress-20190810170850774.htm

https://lug.vn/05-cach-thu-gian-dau-oc-hieu-qua-nhanh-chong-khi-lam-viec

https://careerbuilder.vn/vi/talentcommunity/8-cach-giam-stress-o-cong-so.35A503C8.html

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/15-cach-thu-gian-nhanh-tai-van-phong/